Hai sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã chế tạo thành công một thiết bị cảnh báo ô nhiễm không khí nhỏ gọn, chạy bằng năng lượng mặt trời, có giá chỉ 1,5 triệu đồng.
Bạn Phạm Trung Phong và Nguyễn Trần Phước đã bắt tay xây dựng mô hình “Hệ thống giám sát chất lượng không khí” dưới sự hướng dẫn của TS Lê Quốc Huy - Giảng viên nhà trường.
Mô hình thiết bị có kích thước nhỏ gọn, lắp đặt được trên nhiều khu vực.
“Theo chúng em tìm hiểu từ những nghiên cứu gần đây, việc phơi nhiễm bụi có nồng độ trung bình năm vượt quá 50 µg/m3 tại 126 thành phố trên thế giới có thể là nguyên nhân của khoảng 130 nghìn ca tử vong sớm. Các nguồn khí thải trong đô thị như công nghiệp, giao thông, sinh hoạt, xây dựng… có thể làm suy giảm chất lượng không khí. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, đánh giá tổng hợp chất lượng môi trường không khí và tìm giải pháp xử lý vấn đề này”, Phạm Trung Phong chia sẻ trên trang Khám Phá.
Mô hình “Hệ thống giám sát chất lượng không khí” hoạt động như một hệ thống đo chất lượng không khí và cảnh báo tại chỗ các mức độ ô nhiễm không khí khác nhau. Mô hình có cấu trúc gồm: Các module cảm biến, các đèn báo hiển thị trạng thái mức ô nhiễm, chuông báo động tình trạng không khí ô nhiễm.
Các dữ liệu về ô nhiễm không khí được cập nhật theo thời gian thực lên trang dữ liệu Firebase.
Tín hiệu cảnh báo mức độ ô nhiễm của không khí sẽ được điều khiển thông qua bộ điều khiển trung tâm là con chíp ARM Cortex-M4F, đồng thời được hiển thị lên màn hình LCD của mô hình. Các thông số mà hệ thống cần đó gồm có: Nồng độ khí CO2, nồng độ khí CO, chỉ số về chất lượng không khí (chỉ số PM 10, 2.5).
Dữ liệu mà các module cảm biến ghi nhận được sẽ được gửi lên Firebase (trang Database miễn phí của Google - PV). Nguồn dữ liệu này sẽ được sử dụng để xây dựng trang web và phần mềm theo dõi ô nhiễm không khí theo thời gian thực.
Theo đó, khi không khí ở mức ô nhiễm nghiêm trọng, tín hiệu cảnh báo trên trang web và phần mềm theo dõi sẽ chuyển màu sắc từ xanh sang đỏ. Đồng thời chuông báo động trên thiết bị sẽ cảnh báo cho người dùng biết để có biện pháp phòng ngừa và xử lý.
Nguyễn Trần Phước (trái) và Phạm Trung Phong giới thiệu hoạt động của thiết bị “Hệ thống giám sát chất lượng không khí”.
Với thiết kế và chức năng như trên, nếu được đưa vào sản xuất đại trà thì chi phí sản xuất thiết bị của Phong và Phước chỉ mất khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, thiết bị có thể hoạt động bằng năng lượng mặt trời, góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Thiết bị đã được thử nghiệm trong khuôn viên của Trường Đại học Bách khoa, có thể hoạt động liên tục trong 48h và cho kết quả kiểm định nồng độ của không khí trong vòng bán kính 2 km.
“Đối tượng mà sản phẩm hướng đến là các khu công nghiệp và các hộ gia đình sống xung quanh đó. Tuy nhiên phạm vi đo vẫn còn hạn chế, hệ thống vẫn chưa đo được các loại khí nguy hiểm khác như SO2, NOx, bụi chì… Trước mắt nhóm sẽ cố gắng khắc phục những nhược điểm này để thiết bị hoàn thiện hơn”, Phước cho biết.
Nguồn: moitruong.com.vn