Mặc dù lãnh đạo công ty này không thừa nhận là lỗi do nhà máy của mình và đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng công ty này lại giới thiệu một doanh nghiệp tới thu mua mấy nghìn tấn dứa hỏng không ăn được của bà con xã Bản Lầu về nghiên cứu với giá 3.500 đồng/kg, chỉ thấp hơn giá thị trường có 1.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc Công ty CP Kim Sơn, một công ty chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản có địa chỉ tại Sa Pa, Lào Cai cho biết: Do bên ông đang có dự án xin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xây dựng nhà máy chế biến dứa đặt tại xã Bản Lầu nên muốn thu gom dứa thối về để phục vụ nghiên cứu, khảo sát cũng như đánh giá, phân tích dứa hỏng là do đất của bà con, do phân bón hay tại nhà máy.
Trước thắc mắc của PV, Cty Kim Sơn vẫn chưa xây dựng nhà máy chế biến dứa thì tại sao lại mua dứa số lượng lớn như vậy, ông Long khẳng định rằng: Cty ông 100% mua dứa về là để phục vụ cho việc nghiên cứu.vÔng Dương Văn Ngân, một trong số những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề nhất trong vụ dứa thối lần này lại cho rằng: “Gia đình tôi sẽ không bán một quả dứa thối nào cho công ty Kim Sơn. Bởi, dứa đang lo là thối do nhiễm hóa chất mà lại được thu mua với số lượng lớn như này. Không có doanh nghiệp nào bỏ ra cả mấy tỷ đồng mua dứa thối về nghiên cứu. Chắc là họ mua về rồi lại ép lấy nước, làm nước dứa ép hay làm thạch bán cho bà con nông dân nghèo thôi. Chúng tôi hôm nay có thể mất hết cơ nghiệp nhưng chúng tôi không mất lương tâm vì lợi ích trước mắt.
Là người dân trong thôn, lại trực tiếp ở gần Nhà máy luyện kim loại mầu của Công ty Cổ phần Tứ Đỉnh, bà Bích bức xúc: Nhà máy này xả thải về ban đêm và sáng sớm, tôi nhìn thấy chất thải ra đen xì. Khi chúng tôi làm trên nương, hít khói bay về nên có cảm thấy tức ngực, đau đầu và khó thở. Còn về đêm, mỗi lần nhà máy xả thải tôi đều bị tỉnh giấc, phải lấy chăn chùm kín đầu để không ngửi thấy mùi. Chúng tôi đề nghị các cơ quan ban ngành ngừng mọi hoạt động của nhà máy, di dời nhà máy đi nơi khác để người dân bình yên làm ăn, môi trường sống không bị ô nhiễm chứ không thể đợi có sự việc xẩy ra thì lại tìm cách giải quyết. Gia đình chúng tôi sống ở đây nhiều đời rồi, nếu công ty không chuyển đi thì đời con, cháu, chắt của chúng tôi sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Các hộ dân trong 6 thôn Bản Lầu cũng khẳng định, họ không cần giải pháp trước mắt khi chưa rõ ràng việc dứa thối, hỏng là do đâu mà cái người dân cần chính là một môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm. Ông Phạm Đăng Năm - Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu cho biết: Hàng nghìn tấn dứa bị hỏng, người dân bị thiệt hại, Công ty Kim Sơn tới thu mua chỉ là giải pháp tình thế tháo gỡ khó khăn cho bà con. Cho đến chiều ngày 20/3, Công ty Kim Sơn mới chỉ thu mua được số lượng rất ít khoảng 20 tấn. Với số lượng thu mua chậm thế này thì giải pháp thu mua dứa thối có phải là giúp bà con không thì cần phải xem lại.
Được biết, cũng trong chiều 20/3, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và các sở ban nghành có liên quan đã có buổi làm việc với Công ty CP luyện kim loại mầu Tứ Đỉnh để lấy mẫu không khí, nước và dứa thối về xét nghiệm. Ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu xem Công ty Kim Sơn thu mua dứa thối của bà con về để làm gì? Để sáng tỏ việc dứa thối là do đâu? Công ty Kim Sơn có thật là mua dứa về để phục vụ nghiên cứu hay không? Rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai làm rõ vụ việc và đưa ra hướng giải quyết hợp tình hợp lý.
Nguồn tin: moitruongvn