Độc chất thạch tín (arsenic) đã thâm nhập vào tầng nước ngầm vốn được sử dụng làm nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam, hãng tin Pháp AFP dẫn một nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này là việc khai thác nước ngầm quá mức.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn rất nhiều thời gian để xử lý vấn đề vì mọi việc đang diễn rất chậm, cũng theo các nhà khoa học.
Khai thác quá mức
Trong nghiên cứu được đăng tải trên Nature, tuần báo khoa học quốc tế, các nhà khoa học đã tiến hành hàng loạt các xét nghiệm xung quanh làng Vạn Phúc nằm sát sông Hồng cách Hà Nội khoảng 10 cây số.
Các nhà thủy học muốn tìm hiểu tại sao nồng độ thạch tín ở đây, vốn đo từ nước lấy từ các giếng nhà ở độ sâu khoảng 40 mét, tại sao lại cao như vậy.
Tại các hộ dân ở phía Tây làng, các giếng nhà có nồng độ thạch tín chưa đến 10 microgram (1 microgram tương đương một phần triệu gram) trong một lít nước – tức là thấp hơn nhiều so với ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Nhưng ở phía Đông làng, nồng độ thạch tín cao hơn từ 10 đến 50 lần.
Theo các nhà khoa học thì ở làng Vạn Phúc có hai tầng ngậm nước: một tầng là đất có từ khoảng 5.000 năm trước có độ nhiễm thạch tín cao nằm đè lên một tầng an toàn vốn có độ tuổi lên đến 12.000 năm.
Khi nước ở tầng an toàn này bị khai thác quá mức để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tăng cao của người dân Hà Nội đã làm cho mực nước ở tầng này giảm đi nhanh chóng.
Hậu quả là, nước từ tầng nhiễm thạch tín và từ sông Hồng gần đó đã chảy vào tầng ít có thạch tín.
Sử dụng các biện pháp xác định niên đại, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trong vòng từ 40 đến 60 năm qua, nước từ tầng nhiễm thạch tín đã lan xa thêm 2.000 mét vào các khu vực khác.
Tuy nhiên, nước nhiễm thạch tín xâm nhập vào tầng nước an toàn diễn ra ở tốc độ chậm hơn từ 16 đến 20 lần.
‘Không lan nhanh’
Cho đến nay, nước nhiễm độc chỉ mới thâm nhập được khoảng 120 mét vào tầng nước không nhiễm độc.
“Nó không lan nhanh như chúng ta sợ,” ông Alexander van Geen, giáo sư hóa địa tại Đại học Columbia ở New York, nói với AFP.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nói rằng việc này không đặt ra nguy cơ về sức khỏe cho người dân Hà Nội bởi vì nước ngầm đã được xử lý trước khi đến các hộ gia đình. Trong khi đó, chính quyền thành phố có nhiều năm thậm chí nhiều chục năm để xử lý vấn đề.
Mối lo lớn hơn là những hộ dân sử dụng nước được lấy trực tiếp từ các giếng nhiễm độc.
Bà Phạm Thị Kim Trang từ Trung tâm Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững của Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời là một nhà khoa học tham gia vào công trình nghiên cứu này cho biết hiện đã có những chương trình đào giếng sâu hơn cho dân làng Vạn Phúc cũng như lắp đặt một cơ sở xử lý nước ở đây.
Tuy nhiên, ‘nếu người dân Hà Nội vẫn tiếp tục khai thác nước ngầm nhiều hơn nữa thì vấn đề thạch tín sẽ trở nên nghiêm trọng’, bà Trang cảnh báo trong một thông cáo báo chí.
Bà cũng lưu ý việc mở rộng vùng ngoại ô thành phố khiến cho nhiều người dân đào giếng và sử dụng nước chưa qua xử lý.
Theo nhóm nghiên cứu thì trong khoảng thời gian từ năm 2000 cho đến 2010, nhu cầu sử dụng nước ở Hà Nội đã gần như tăng gấp đôi từ khoảng nửa triệu cho đến gần 1 triệu mét khối nước mỗi ngày.
TÁC ĐỘNG CỦA THẠCH TÍN
Thạch tín ở nồng độ cao có thể gây ra các chứng bệnh về tim mạch, gan, thận cũng như ung thư.
Ghi chú: Đây là kết quả nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ môi trường và Phát triển bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội đã được đăng trên Tạp chí Nature, tạp chí Khoa học uy tín nhất trên thế giới hiện nay.
Hấp thụ và chuyển hoá thạch tín trong cơ thể.
Thạch tín nguyên tố khi được ăn vào rất khó hấp thụ và phần lớn được triệt tiêu ở nguyên dạng. Các hợp chất thạch tín hoà tan trong nước được hấp thụ nhanh chóng từ ống tiêu hoá; thạch tín (V) và thạch tín hữu cơ được đào thải qua thận rất nhanh và hầu như toàn bộ. Thạch tín vô cơ có thể được tích luỹ ở da, xương và cơ bắp; chu kỳ bán huỷ của nó trong cơ thể người trong vòng 20 đến 40 ngày.
Thạch tín hoá trị 3 được nhanh chóng bị triệt tiêu khỏi cơ thể nhờ đường tiết niệu đào thải thạch tín chưa methyl hoá trong cả hai dạng hoá trị 3 và hoá trị 5 và thông qua hoạt động khử độc của gan bằng cách methyl hoá thạch tín (III) thành methylarsonic acid (MMAA) và dimethylarsinic acid (DMAA). Một vài nghiên cứu ngắn hạn trên cơ thể người cho thấy rằng khả năng methyl hoá thạch tín vô cơ là rất mạnh nhưng không phải là vô hạn và sẽ bão hoà khi liều ăn vào hàng ngày vựợt quá 0,5 mg.
Ảnh hưởng của thạch tín lên cơ thể người
Mặc dầu các kết qủa nghiên cứu cho thấy thạch tín có thể là một nguyên tố thiết yếu cho một số loài động vật như dê, chuột, gà nhưng chưa có bằng chứng để nói rằng thạch tín cần cho người.
Nhiễm độc thạch tín cấp của con người chủ yếu phụ thuộc vào nhịp độ đào thải khỏi cơ thể của các hợp chất. Arsine đựoc coi là dạng độc nhất sau đó đến arsenite (arsenic (III), arsenate (arsenic (V) và hợp chất thạch tín hữu cơ. Liều tử vong đối với người khoảng từ 1,5 mg/kg (diarsenic trioxide) đến 500 mg/kg trọng lượng cơ thể (DMAA). Nhiễm độc thạch tín cấp xẩy ra do uống nước giếng bị đầu độc với liều 1,2 và 2,1 mg thạch tín trong một lít nước đã được ghi nhận.
Hiện tại vẫn chưa có một bản liệt kê đầy đủ nào về các loại bệnh do asen. Asen vô cơ được coi là chất gây ung thư đồng thời nó cũng gây nhiều tác động khác nữa. Đôi khi các triệu chứng khó thở gây ra bởi asen bị nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác. Asen có thể gây bệnh cấp tính hay mạn tính, tuy nhiên dưới góc độ asen trong nước uống thường chỉ có các bệnh mãn tính do asen
Các triệu chứng sớm của nhiễm độc thạch tín cấp bao gồm đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy, đau cơ, suy nhược, phù nề da.
Các biểu hiện nhiễm độc lâm sàng thạch tín mạn tính do nước uống được các chuyên gia y tế phân thành bốn giai đoạn. Giai đoạn tiền lâm sàng chưa có biểu hiện tổn thương hữu thể nhưng thạch tín đã có thể được phát hiện tại các mẫu nước tiểu và mẫu mô cơ thể. Giai đoạn lâm sàng là khi mà sự ảnh hưởng xuất hiện trên da, hay gặp nhất là ở dạng da cơ thể có bầm tím tay chân. Trong trường hợp nặng có hiện tượng hoá sừng tại da bàn tay và lòng bàn chân. Tổ chức y tế thế giới ước tính giai đoạn này xuất hiện sau 5 đến 10 năm uống nước nhiễm thạch tín. Giai đoạn biến chứng và khi các triệu chứng lâm sàng càng trở nên trầm trọng hơn. Gan, thận và lách sưng to, cơ thể có viêm giác mạc, viêm phế quản và đái đường do nhiễm độc thạch tín. Giai đoạn cuối cùng là biểu hiện ung thư. Ung thư có thể là ung thư da và các cư quan khác. Người bệnh bị hoại tử hoặc bị ung thư phổi, bàng quang. Nhiều người bệnh thường bị hiểu nhầm là bệnh phong và bị cộng đồng xa lánh.
Nguồn: Tổng hợp