Hà Nội sẽ chi gần 46 tỷ đồng để thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững ngành thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu mới đây đã ký ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND về chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2018 - 2020.
Theo Kế hoạch, phạm vi thực hiện là tại các huyện trên địa bàn TP Hà Nội có vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đến năm 2020 theo quy hoạch: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thanh Trì, Mê Linh, Sóc Sơn; 3 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn TP và 30 cơ sở kinh doanh thủy sản (tại chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai và một số địa điểm khác) đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đối tượng là các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh thủy sản.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là thúc đẩy các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch và phát triển bền vững ngành thủy sản.
Cụ thể, trong năm 2018, thành phố sẽ tập trung xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi 2ha tại huyện Thanh Trì và 3ha tại huyện Ba Vì; xây dựng mô hình nuôi cá chép lai, ứng dụng công nghệ nước tự chảy đẩy tuần hoàn trong ao 1ha tại huyện Ứng Hòa và 1ha tại huyện Mỹ Đức; xây dựng mô hình nuôi thủy sản kết hợp cá - lúa 25ha tại huyện Ứng Hòa, 25ha tại huyện Ba Vì và 15ha tại huyện Phú Xuyên.
Năm 2019, Thành phố xây dựng mô hình nuôi tôm - lúa kết hợp 2ha tại huyện Phú Xuyên và 2ha tại huyện Ứng Hòa; xây dựng mô hình nuôi cá chép kết hợp cá trắm theo công nghệ nước tự chảy đẩy tuần hoàn trong ao 1ha tại huyện Mỹ Đức; xây dựng mô hình nuôi kết hợp cá - lúa 30ha tại huyện Ứng Hòa và 25ha tại huyện Phú Xuyên.
Năm 2020: Xây dựng mô hình nuôi tôm - lúa 1ha tại huyện Phú Xuyên và 2ha tại huyện Ba Vì; xây dựng mô hình nuôi xen canh cá - lúa 25ha tại huyện Mỹ Đức, 20ha tại huyện Chương Mỹ và 10ha tại huyện Thường Tín; xây dựng mô hình nuôi cá rô phi theo công nghệ nước tự chảy đẩy tuần hoàn trong ao 1ha tại huyện Ứng Hòa.
Về mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, năm 2018, Thành phố xây dựng mô hình theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cá rô phi 1 mô hình nuôi trồng, sơ chế, bảo quản tại huyện Ba Vì; 1 mô hình sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm tại 1 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn thành phố; 10 cơ sở kinh doanh thủy sản đáp ứng yêu cầu theo quy định; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm cá chép lai tại huyện Ứng Hòa.
Bước sang năm 2019, Thành phố tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cá rô phi đã xây dựng năm 2018; xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm cá chép lai tại huyện Phú Xuyên. Tương tự, năm 2020: Xây dựng mô hình chuỗi tiêu thụ nuôi cá rô phi trong lồng tại 1 hồ chứa có mặt nước lớn (số lượng sản xuất 10 lồng nuôi, 100m3/lồng); xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất giống đến nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm cá chép lai tại huyện Ba Vì.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch nên trên trong giai đoạn 2018-2020 gần 46 tỷ đồng.
Nguồn:vista.gov.vn