Dòng sông bị lấp đầy bởi rác thải sinh hoạt, hóa chất độc hại của các nhà máy dệt may và xác động vật chết, nhưng hơn 35 triệu dân Indonesia vẫn phải dựa vào nó để lấy nguồn nước sinh hoạt mỗi ngày.
Con sông Citarum, nằm gần thủ đô Jakarta, Indonesia với chiều dài lên tới 272km, được cho là dòng sông bẩn nhất thế giới với lượng rác thải kinh hoàng, mà nếu không có những con thuyền đi lại thì khó ai biết được đó lại là một con sông.
Thay vì đánh bắt cá, người dân ở đây lại kiếm sống bằng cách vợt rác thải để bán lấy tiền. Các ngư dân cho biết: “Chúng tôi không bắt cá nữa vì 60% cá ở đây đã chết”.
Bị tắc bởi rác thải sinh hoạt, động vật chết, hóa chất độc hại từ các nhà máy dệt may bất hợp pháp đổ xuống vào ban đêm đã biến con sông thành một dòng sông rác thực thụ. Nước ở đây đôi khi còn chuyển sang màu đỏ, xanh lá cây, màu vàng và đen do nồng độ của thuốc nhuộm quá cao. Các giếng làng gần đó cũng bị nhiễm thủy ngân cao. Đây cũng là nguyên nhân gia tăng các bệnh ung thư, da liễu, tâm thần và chậm phát triển của trẻ em địa phương.
Hiện, giới chức địa phương vẫn chưa đưa ra phương án xử lý dòng sông rác, ngăn chặn việc xả rác trái phép từ các nhà máy dệt may lân cận. Trong suốt những năm qua, người dân địa phương vẫn phải gánh chịu hậu quả từ dòng sông ô nhiễm nhất thế giới này.
Nguồn tin: moitruongvn.org