Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu Núi Pháo đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của công ty gây ra. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ phối họp với UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét phạm vi các hộ dân tại xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng, huyện Đại Từ có thể phải di dời; báo cáo chi tiết về quá trình thực hiện và các nội dung thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ khai thác và chế biến (làm rõ việc tăng chủng loại và khối lượng hóa chất sử dụng) so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; lập Kế hoạch đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải theo quy định tại khoản 3 điều 39 nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Trước đó, ngày 14/7, Bộ TN&MT đã làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên và thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện về TN&MT của công ty Núi Pháo đầu tháng 8 tới, bao gồm một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TN&MT như: bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai.
Từ năm 2014, người dân huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) có đơn thư phản ánh ra chính quyền các cấp về việc ô nhiễm môi trường từ dự án này gây ra. Sự việc “nóng” hơn khi người dân các xóm 3 và 4 (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ) mang nhiều chai nước, lọ đựng nước lấy từ khu vực xả thải ra môi trường tại đầm Khe Vối giáp ranh hai xóm kéo xuống UBND xã phản ánh, chất vấn lãnh đạo địa phương.
Dự án Núi Pháo được xem là dự án về khoáng sản lớn tại Việt Nam và cũng là nhà sản xuất vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc do công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo - dự án khai mỏ đầu tiên của Masan Resources (công ty con của tập đoàn Masan) thực hiện. Nhà máy khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo nằm trên địa phận ba xã Hà Thượng, Hùng Sơn và Phục Linh (huyện Đại Từ), phần lớn diện tích nằm trên xã Hà Thượng.
Nguồn tin: moitruongvn.org