1
Bạn cần hỗ trợ?
Tin tức

Bùn thải y tế: Sự hình thành và quản lý hiệu quả

Ngày đăng: 09:53 - 22/12/2017
Lượt xem: 923
Hiện nay, trên cả nước có gần 13.511 cơ sở y tế, bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh thuộc các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành và bệnh viện tư nhân. Theo Bộ Y tế, năm 2015, tổng lượng nước thải bệnh viện trên toàn quốc khoảng 300.000 m3/ngày. Với việc xử lý nước thải (XLNT) y tế đã hình thành nên 3 loại bùn thải, đó là bùn từ bể tự hoại; bùn từ các công trình/hệ thống XLNT tập trung; bùn từ các công trình, thiết bị xử lý sơ bộ nước thải.
 

​Sự hình thành của bùn thải y tế

   Hiện nay, trên cả nước có gần 13.511cơ sở y tế, bao gồm các cơ sở khám chữa bệnh thuộc các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, bệnh viện ngành và bệnh viện tư nhân. Theo Bộ Y tế, năm 2015, tổng lượng nước thải bệnh viện trên toàn quốc khoảng 300.000 m3/ngày. Với việc xử lý nước thải (XLNT) y tế đã hình thành nên 3 loại bùn thải, đó là bùn từ bể tự hoại; bùn từ các công trình/hệ thống XLNT tập trung; bùn từ các công trình, thiết bị xử lý sơ bộ nước thải.
 
   Bùn từ bể tự hoại được lưu giữ lâu năm trong các bể tự hoại tại các khu vệ sinh bệnh viện. Bùn được hút bằng các bơm hút do các công ty môi trường thực hiện. Phần chất rắn trong bùn thải bể tự hoại là 660 g/kg, tỉ trọng điển hình của bùn thải bể tự hoại là 1,4 - 1,5 T/m3. Độ ẩm W = 90 - 95%. Đặc điểm, thành phần và tính chất của bùn bể tự hoại này cơ bản giống như bùn bể tự hoại các khu dân cư và công trình công cộng khác.
 
 

 
   Bùn từ các công trình/hệ thống XLNT tập trung của bệnh viện có khối lượng lớn, thành phần hữu cơ cao, tương tự như bùn thải nhà máy XLNT đô thị. Tùy thuộc vào công nghệ xử lý sinh học nước thải mà số lượng và đặc điểm bùn thải có thể khác nhau. Bùn trong nước thải có thể tích tụ trên đường cống hoặc hố ga hệ thống thu gom nước thải. Loại bùn thải này thường được nạo vét khi cần phải thông tắc đường cống thoát nước.
 
   Bùn từ các công trình, thiết bị xử lý sơ bộ nước thải là bùn thải từ quá trình xử lý các loại nước thải đặc thù như nước thải dược phẩm, xét nghiệm, xạ trị… có thành phần đặc trưng của các loại nước thải đó. Phần lớn, các loại bùn thải này chứa kim loại nặng hoặc các chất hữu cơ bền sinh học nên nồng độ các chất độc hại có thể vượt ngưỡng của QCVN 50:2013/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng nguy hại đối với bùn thải từ quá trình xử lý nước. Tuy nhiên, trong các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế, số lượng bùn thải độc hại này không nhiều.
 
   Từ nguồn gốc cùng với thành phần và tính chất của từng loại nước thải trong bệnh viện, bùn thải được phân thành hai nhóm chính là bùn thải không nguy hại và bùn thải nguy hại.
 
   Bùn thải không nguy hại là bùn bể tự hoại và bùn thải hệ thống XLNT tập trung của bệnh viện với thành phần chủ yếu gần giống bùn thải của nước thải đô thị, tuy nhiên số lượng các vi sinh vật gây bệnh nhiều hơn nên nguy cơ phát tán bệnh dịch từ loại bùn thải này cao hơn nhiều so với bùn thải thoát nước đô thị. Bùn thải không nguy hại của hệ thống thoát nước thải bệnh viện được ổn định và làm khô theo các phương pháp và công nghệ truyền thống quy định trong Bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình hạ tầng kỹ thuật” - QCVN 07:2016/BXD. Tuy nhiên trước khi vận chuyển ra bên ngoài để xử lý tiếp tục hoặc tái sử dụng, loại bùn thải này cần thiết phải khử trùng đáp ứng các quy định về mặt vệ sinh của Tổ chức Y tế thế giới về bùn thải.
 
   Nhóm bùn thải nguy hại hình thành trong quá trình xử lý sơ bộ bằng các phương pháp hóa học/hóa lý đối với các dòng nước thải, chất thải lỏng từ các phòng xét nghiệm, khoa ung bướu, pha chế thuốc và dược phẩm… Bùn thải sau quá trình xử lý các dòng nước thải đặc biệt bằng các phương pháp hóa học và hóa lý phải được kiểm soát như là các chất thải nguy hại theo các quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT về quản lý chất thải y tế.
 
 
   Tính chất nguy hại của bùn thải được xác định theo QCVN 07:2009/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại. Hiện nay đang có những vấn đề về phân loại theo mức độ nguy hại đối với bùn thải hệ thống XLNT bệnh viện. Trong Phụ lục của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT có quy định mã chất thải nguy hại cho bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải y tế là 10 02 03, với tính chất nguy hại chính là độc (Đ) với ngưỡng chất thải nguy hại là nghi ngờ là chất thải y tế nguy hại và nếu không có thành phần nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT thì không phải phân tích và được quản lý như chất thải thông thường.       
       

   Quản lý bùn thải y tế

   Bùn thải từ hệ thống thoát nước được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn (từ điều 95 đến điều 98, mục 3) và quản lý nước thải (điều 99 đến điều 101, mục 4) thuộc chương IX- Quản lý chất thải, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Bùn thải có yếu tố nguy hại phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại (từ điều 90 đến điều 94, mục 2, chương IX, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
 
 
Bùn từ hệ thống xử lý nước thải bệnh viện phải được kiểm soát chặt chẽ
 
   Quản lý chất thải nguy hại (CTNH) là các hoạt động liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân định, phân loại, tái sử dụng trực tiếp, lưu giữ tạm thời, vận chuyển và xử lý CTNH. Theo quy định của QCVN 50:2013/BTNMT, đối với bùn thải hình thành từ quá trình xử lý sơ bộ (chủ yếu là quá trình xử lý hóa học hoặc hóa lý) phải được quản lý theo quy định của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
 
   Hiện nay, trong danh mục chi tiết của các CTNH và chất thải có khả năng là CTNH của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý chất thải nguy hại không có danh sách các loại bùn thải từ của quá trình xử lý nước thải y tế. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, các quá trình xử lý sơ bộ nước thải y tế tại các khoa u bướu, xét nghiệm, dược phẩm… có thể tạo nên bùn thải chứa các hợp chất hữu cơ hoặc vô cơ độc tính cao, tính nguy hại lớn. Khi bùn thải có các chỉ số Htc (ppm) và Ctc (mg/l) vượt ngưỡng thì nó phải được quản lý theo quy trình quản lý chất thải nguy hại nêu trong Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
 
   Bùn thải từ hệ thống XLNT tại chỗ của bệnh viện có số lượng vi khuẩn gây bệnh và trứng giun sán cao, vì vậy cần thiết phải tiêu diệt nguồn bệnh dịch này bằng quy trình nghiêm ngặt. Mặc dù trong Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT không nêu rõ nhưng yêu cầu khử trùng các loại bùn thải hệ thống thoát nước bệnh viện, từ bùn bể tự hoại, cặn lắng trên đường cống thoát nước đến bùn thải trạm XLNT tập trung. Hiện nay cũng chưa có một TCVN nào quy định cụ thể về sử dụng bùn thải ngoài TCVN 5298-1995- Yêu cầu chung đối với sử dụng nước thải và cặn lắng của chúng cho mục đích tưới tiêu. Vì vậy, xử lý bùn thải từ các trạm XLNT bệnh viện là yêu cầu bắt buộc về khía cạnh vệ sinh. Theo đó, bùn thải từ nước thải các bệnh viện và các cơ sở y tế cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hai mức: Kiểm soát như chất thải rắn hoặc bùn thải thông thường nhưng với nguyên tắc loại bỏ các mầm bệnh dịch trước khi đưa ra khỏi các công trình lưu giữ để đi xử lý tiếp tục hoặc tái sử dụng đối với bùn bể tự hoại, bùn thải cống thoát nước thải hoặc bùn thải trạm XLNT tập trung của bệnh viện; Kiểm soát như chất thải rắn hay bùn thải nguy hại theo các quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
Liên hệ

CÔNG TY CỔ PHẦN WESTERNTECH VIỆT NAM

Địa chỉ: Tầng 12, Tòa nhà Licogi 13, Số 164 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội

info@westerntechvn.com +84 985 42 12 42 +84 24 6675 6815
Đăng ký nhận bản tin